Chi tiết tin - Xã Hải Dương - Hải Lăng

 

 

Video clip
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập 1
  • Hôm nay 29
  • Tổng truy cập 388.724

RÁC THẢI VÀ PHÂN LOẠI RÁC THẢI

Post date: 11/04/2023

Ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, đến mức báo động, làm suy giảm chất lượng môi trường sống và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Bảo vệ môi trường là nghĩa vụ, trách nhiệm của mọi tổ chức, mọi gia đình và của mỗi người, đồng thời là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương.

 

NỘI DUNG 1: THỰC TRẠNG VÀ TÁC HẠI CỦA RÁC THẢI NHỰA

Ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, đến mức báo động, làm suy giảm chất lượng môi trường sống và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Bảo vệ môi trường là nghĩa vụ, trách nhiệm của mọi tổ chức, mọi gia đình và của mỗi người, đồng thời là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương.

Các sản phẩm từ nhựa, nilon ra đời mang lại không ít tiện ích và đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người chúng ta. Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, kể từ thập niên 50 của thế kỷ trước, hơn 8,3 tỷ tấn sản phẩm nhựa đã được sản xuất, sử dụng, trong đó khoảng 60% lượng sản phẩm đó được chôn lấp hoặc thải thẳng ra môi trường. Những đặc tính bền, khó phân hủy của các sản phẩm nhựa, nilon đã và đang gây ô nhiễm môi trường, để lại những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người và các loài động thực vật trên Trái Đất.

Ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Giảm thiểu chất thải từ nhựa, nilon đã trở thành yêu cầu cấp bách ngay lúc này, trước hết bắt đầu từ việc giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa và nilon khó phân hủy, đặc biệt là các sản phẩm nhựa dùng một lần.  Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường sử dụng 5 - 7 túi nilon/một ngày bao gồm cả túi to, túi nhỏ và những túi siêu nhỏ... Như vậy hàng triệu túi nilon được sử dụng và thải ra môi trường hàng ngày.

Tác hại nguy hiểm nhất của túi nilon tới môi trường chính là tính chất rất khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên. Chiếc túi nilon nhỏ bé và mỏng manh như vậy nhưng lại có quá trình phân hủy có thể kéo dài từ 500 đến 1.000 năm nếu không bị tác động của ánh sáng mặt trời.

Sự tồn tại của nó trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước, bởi túi nilon lẫn vào đất sẽ làm thay đổi tính chất vật lý của đất gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, ngăn cản ôxy đi qua đất ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng.

Nếu túi nilon bị vứt xuống ao, hồ, sông ngòi sẽ làm tắc nghẽn cống, rãnh, kênh, rạch, gây ứ đọng nước thải và ngập úng dẫn đến sản sinh ra nhiều vi khuẩn gây bệnh.

Nghiêm trọng hơn, môi trường đất và nước bị ô nhiễm bởi túi nilon sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khỏe con người. Thực tế nhiều loại túi nilon được làm từ dầu mỏ nguyên chất khi chôn lấp sẽ ảnh hưởng tới môi trường đất và nước, còn đốt chúng sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng tuyến nội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch,…

Để giảm thiểu tối đa tác hại của túi nilon và chất thải nhựa, nguời sử dụng cần hạn chế sử dụng túi nilon thông thuờng bằng cách sử dụng túi dùng nhiều lần và có khả năng phân huỷ sinh học khi đi mua hàng; không nên dùng túi nilon rẻ tiền, có màu để đựng thực phẩm, đặc biệt là không được dùng để đựng thực phẩm nóng, có vị chua. Sau khi sử dụng xong không được tự ý đốt hay chôn lấp mà phải phân loại riêng túi nilon để công ty môi truờng thu gom và tiêu huỷ theo quy định.

Ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề có tính liên vùng, xuyên biên giới. Giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay của các các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và từng người dân Việt Nam.

Vì vậy, để tiếp nối các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, góp phần giải quyết ô nhiễm nhựa, nilon mỗi chúng ta phải có những hành động thiết thực, thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, bao gồm cả túi nilon khó phân hủy, ngay hôm nay và ngay bây giờ./.

Nội dung 2: RÁC THẢI VÀ PHÂN LOẠI RÁC THẢI

Phần 1

RÁC THẢI SINH HOẠT – RÁC THẢI NGUY HẠI ĐỒNG RUỘNG

1.1. Khái niệm rác thải sinh hoạt

Chất thải rắn là chất thải ở thể rắn, được thải ra từ quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc các hoạt động khác. Chất thải rắn phát thải trong sinh hoạt hằng này của cá nhân, hộ gia đình, nơi công cộng được gọi chung là chất thải rắn sinh hoạt hay còn gọi là rác thải sinh hoạt.

Rác thải sinh hoạt phát sinh ở mọi nơi, mọi lúc từ các khu dân cư, từ các hộ gia đình, chợ và các tụ điểm buôn bán, nhà hàng, khách sạn, công viên, khu vui chơi giải trí, trường học....

Dựa vào tính chất, có thể phân rác thải thải thành 2 loại là rác hữu cơ dễ phân hủy và rác thải khó phân hủy.

• Rác hữu cơ dễ phân hủy là các loại rác thải có khả năng tự phân hủy trong môi trường tự nhiên sau một thời gian ngắn, như: lá cây, rau quả, vỏ trái cây, xác động vật, phân động vật,...

 • Rác thải khó phân hủy là các loại rác thải có khả năng tồn lưu trong môi trường tự nhiên rất lâu, như: vải vụn, bao nhựa, chai nhựa, bóng đèn, tóc, lốp xe, giấy kẹo, giầy da, xốp,...

 1.2. Khái niệm rác thải nguy hại đồng ruộng

Chất thải rắn nguy hại là chất thải rắn chứa các chất hoặc hợp chất có một trong những đặc tính: phóng xạ, dễ cháy, dễ nổ, dễ ăn mòn, dễ lây nhiễm, gây ngộ độc hoặc các đặc tính nguy hại khác. Rác thải nguy hại đồng ruộng là các loại rác thải nguy hại thải bỏ trong quá trình hoạt động sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là các bao bì, chai lọ đựng hóa chất bảo vệ thực vật sau khi sử dụng.

 

Phần 2

TÁC HẠI CỦA XỬ LÝ RÁC THẢI KHÔNG HỢP VỆ SINH

Đối với các loại rác thải phát sinh trong đời sống hàng ngày, người dân ở các vùng nông thôn thường có thói quen loại bỏ bằng cách đốt hoặc đổ rác bừa bãi ngoài lề đường, ao, hồ, biển....

Tuy nhiên, việc thải bỏ và xử lý rác không đúng cách, không hợp vệ sinh sẽ gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan công cộng và tác hại xấu ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người, sinh vật và chất lượng môi trường.

2.1. Tác hại của việc đốt rác thải không có sự phân loại

- Thói quen của người dân nông thôn là đổ đống và đốt rác thải ngay tại gia đình, đốt tất cả rác thải kể cả các loại chất dẻo như: chai nhựa, cao su, túi nilon... Khi đốt thủ công (nhiệt độ thấp), các vật liệu này cháy không triệt để sẽ sinh ra các khí độc như: Oxit cácbon, Hydrocacbon dễ bay hơi kể cả benzen, dioxin, furin là những chất rất độc hại.

- Đốt rác theo phương pháp thủ công không có sự phân loại trong khu dân cư, các chất độc hại phát sinh sẽ đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, gây khó thở, viêm đường hô hấp,...

 Trong trường hợp bất khả kháng, phải đốt rác thải thủ công thì cần phân loại tách riêng các loại chất dẻo như: chai nhựa, cao su, túi nilon,...Ø

2.2. Tác hại của việc đổ rác thải bừa bãi

- Thói quen đổ rác thải bừa bãi ven đường làng, bờ sông, ao hồ đang rất phổ biến ở các vùng nông thôn, việc này không chỉ làm mất mỹ quan mà còn gây ra nhiều tác hại cho môi trường, ảnh hưởng sức khỏe con người,...chẳng hạn như:

+ Khí thải sinh ra từ các đống rác sẽ làm ô nhiễm môi trường không khí, gây mùi hôi, ảnh hưởng sức khỏe con người.

+ Nước rỉ rác sinh ra sẽ chảy xuống ao hồ, làm ô nhiễm nguồn nước. Hơn nữa, các chất độc hại trong nước tích lũy trong thực phẩm như: rau, tôm, cá... sẽ rất nguy hiểm nếu ta ăn phải các chất loại thực phẩm này.

+ Tạo nơi trú ngụ và phát triển lý tưởng của các loài gây bệnh hại cho người và gia súc.

Cần xóa bỏ thói quen đổ rác thải bừa bãi ra môi trường.Ø

Phần 3

PHÂN LOẠI, THU GOM VÀ XỬ LÝ RÁC THẢI SINH HOẠT

3.1. Phân loại rác tại nguồn

3.1.1. Phương pháp phân loại rác tại nguồn

Rác thải sinh hoạt trước khi được đưa đi xử lý, cần được phân loại ngay tại hộ gia đình. Cách nhận biết như sau:

- Rác hữu cơ dễ phân hủy: là các loại rác dễ bị thối rữa trong điều kiện tự nhiên sinh ra mùi hôi thối như: các loại thức ăn thừa, hư hỏng (rau, cá chết...), vỏ trái cây,....

- Rác thải khó phân hủy được chia làm 2 loại đó là rác tái chế và không tái chế. Rác tái chế là các loại rác có thể sử dụng lại nhiều lần trực tiếp hoặc chế biến lại như: giấy, các tông, kim loại (khung sắt, máy tàu hỏng,...), các loại nhựa.... Còn lại các loại rác không tái chế là phần thải bỏ.

3.1.2. Vì sao phải phân loại rác tại nguồn

- Phân loại rác tại nguồn góp phần tiết kiệm được tài nguyên; mang lại lợi ích cho chính chủ nguồn thải từ việc tận dụng phế liệu tái chế và phân compost tự chế biến;

- Phân loại rác tại nguồn góp phần giảm thiểu ô nhiễm;

- Phân loại rác tại nguồn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên và môi trường;

- Phân loại rác tại nguồn góp phần giảm thiểu tổng lượng rác thải trong cộng đồng thải ra môi trường nhằm giảm tải cho môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý.

3.2. Phương pháp thu gom rác

- Thu gom rác hữu cơ dễ phân hủy: Thu gom riêng vào vật dụng chứa rác để tận dụng làm phân compost (tại gia đình hoặc đưa đến nhà máy xử lý chế biến tập trung thành phân compost).

- Thu gom rác khó phân hủy

+ Thu gom rác tái chế: Rác tái chế được tách riêng và đựng trong túi nilon hoặc túi vải để bán lại cho cơ sở tái chế.

+ Thu gom rác không tái chế: Các thành phần rác không có khả năng tái chế sẽ được thu gom, đựng trong dụng cụ chứa rác tại gia đình và đưa đến điểm tập kết để xe chuyên dụng đến vận chuyển đưa đi xử lý tại các khu xử lý rác thải tập trung theo quy định.

Dụng cụ chứa rác là các thùng rác chuyên dùng hoặc tận dụng các vật dụng có sẵn ở gia đình như thúng, sọt, bao tải, túi nilon,....

3.3. Phương pháp xử lý rác thải

+ Chôn lấp hợp vệ sinh: Rác thải được rải thành từng lớp, đầm nén để giảm thể tích và phủ đất lên (phun hóa chất để tăng hiệu quả xử lý và hạn chế côn trùng) với sơ đồ quy trình như sau:

image024

Bãi chôn lấp hợp vệ sinh có lắp đặt hệ thống thu khí, hệ thống thu gom và xử lý nước rỉ rác.

Đây công nghệ đơn giản và chi phí thấp, phù hợp với các nước nghèo và đang phát triển nhưng tốn diện tích đất rất lớn.

+ Thiêu đốt: Quá trình dùng nhiệt độ cao (1.000-1.1000C) để phân hủy rác. Ưu điểm nổi bật của phương pháp này là làm giảm đáng kể thể tích chất thải phải chôn lấp (xỉ, tro). Tuy nhiên, chi phí đầu tư, vận hành nhà máy đốt rác khá cao, phù hợp với các nước tiên tiến, phát triển. Các nước phát triển còn sử dụng nhà máy đốt rác để phát điện, biến rác thành nhiên liệu có ích. Một số tỉnh thành ở nước ta đã áp dụng phương pháp đốt nhưng chủ yếu là để xử lý rác thải nguy hại.

+ Chế biến phân compost: Chế biến rác hữu cơ dễ phân hủy thành phân compost dùng trong nông nghiệp.

• Quy mô chế biến tập trung: Rác được phân loại, rác hữu cơ dễ phân hủy được tách ly, nghiền, ủ hiếu khí để tạo phân vi sinh. Thành lập nhà máy chế biến phân compost cần vốn đầu tư lớn, chi phí vận hành tương đối cao.

• Quy mô hộ gia đình: Rác hữu cơ dễ phân hủy được phân loại riêng và ủ thành phân compost ngay trong sân vườn.

Phân compost là chất mùn ổn định thu được từ quá trình phân hủy các chất hữu cơ, không chứa các mầm bệnh, không lôi kéo các côn trùng, có thể được lưu trữ an toàn và có lợi cho sự phát triển của cây trồng. Phân hữu cơ rất cần cho cây trồng, nó vừa cung cấp chất dinh dưỡng cho cây, vừa duy trì độ phì cho đất.

Phần 4

HƯỚNG DẪN THU GOM, XỬ LÝ RÁC THẢI SINH HOẠT

TẠI HỘ GIA ĐÌNH

Để giải quyết vấn đề ô nhiễm do rác thải gây ra tại các vùng nông thôn, mỗi hộ gia đình cần có trách nhiệm: phân loại rác thải thành các loại riêng biệt; phần rác thải có thể tái chế, tái sử dụng được bán phế liệu; phần rác hữu cơ dễ phân hủy tận dụng làm phân compost; phần rác khó phân hủy không tái chế thu gom để đưa đi xử lý.

6.1. Xử lý rác hữu cơ dễ phân hủy

Rác hữu cơ dễ phân hủy được tận dụng làm phân tại gia đình bằng hố rác di động. Hố rác di động là hố nhỏ được đào để hằng ngày người dân đổ phần rác hữu cơ dễ phân hủy xuống, dùng nắp đậy che kín mặt hố, sau một thời gian rác sẽ oai mục thành phân dùng để bón cho cây trồng hoặc cải tạo đất rất tốt.

Phần không hoại, không thành phân (do còn lẫn các chất khó phân hủy) sẽ được thu gom và xử lý cùng phần rác thải khó phân hủy không tái chế.

Được gọi là hố rác di động vì hố này thể tích nhỏ (cỡ vài trăm lít đến khoảng 1 m3), khi hố đầy có thể chuyển sang đào hố khác sử dụng, hố được chính người dân đào và duy trì hoạt động. Đây là hình thức xử lý rác thải đơn giản, dễ thực hiện, có hiệu quả và phù hợp với việc xử lý rác hữu cơ dễ phân hủy vùng nông thôn.

+ Vị trí đặt hố: Khu đất trong vườn, không quá ẩm ướt, cách xa nơi ở trên 3m.

+ Kích thước: Hố được đào theo hình trụ tròn với đường kính khoảng 0,5-1m, sâu 1-1,5m hoặc hình hộp với cạnh dài 0,5-1m, sâu 1-1,5m.

+ Phần nắp đậy: Kích thước và hình dáng phụ thuộc vào miệng hố, chất liệu thường bằng kim loại hoặc gỗ (tùy điều kiện từng hộ gia đình có thể chọn cách vật liệu khác nhau nhưng cần đảm bảo tính an toàn, kín để tránh cho vật thể lạ lọt vào cũng như mùi từ trong hố thoát ra). 

* Ưu điểm

+ Đơn giản, dễ thực hiện,

+ Giải quyết tại chỗ rác thải sinh hoạt hữu cơ dễ phân hủy của các hộ gia đình.

+ Mùn tạo ra từ rác thải hữu cơ có thể sử dụng cho việc cải tạo đất, trồng cây trong vườn.

* Lợi ích

+ Hạn chế tình trạng xả rác bừa bãi ra môi trường, lấy lại cảnh quan sạch đẹp cho vùng nông thôn.

+ Giảm thiểu ô nhiễm không khí (mùi rác phân hủy).

+ Hạn chế sự sinh sôi và phát triển của các bệnh truyền nhiễm (rác hữu cơ thường là nguồn thức ăn của ruồi, muỗi, nhặng...).

+ Giảm tải cho các bãi chôn lấp tập trung.

* Một số lưu ý

+ Tránh nước xâm nhập vào trong hố rác (nước mưa,...).

+ Tránh đào hố gần mạch nước ngầm.

+ Chỉ cần hố đủ rộng và không quá sâu.

+ Tuy lượng khí sinh ra trong quá trình ủ rác là không nhiều nhưng khi mở nắp hố, cần tránh đứng trực diện với miệng hố và nên đeo khẩu trang.

6.2. Xử lý rác khó phân hủy không tái chế

Tổ thu gom rác sẽ đến từng hộ gia đình, cơ sở để thu gom tập kết về các điểm tập kết để xe chuyên dụng của các đơn vị dịch vụ vệ sinh môi trường đến vận chuyển đưa đi xử lý tại các khu xử lý rác thải tập trung.

Đối với các khu vực chưa tiến hành thu gom, xử lý rác thải tập trung, các hộ gia đình phải tự thu gom, xử lý tại chỗ. Bằng cách đào các hố rác để chôn lấp tại vị trí phù hợp hoặc vào mùa nắng có thể xử lý bằng phương pháp đốt. Tuy nhiên, để hạn chế những tác hại do việc đốt rác tại gia đình cần phải tiến hành phân loại rác thải, tách riêng các loại chất thải như: chai nhựa, cao su, túi nilon... để tận dụng lại hoặc bán phế liệu cho các cá nhân có nhu cầu để tái chế thành sản phẩm hữu ích hoặc xử lý bằng các lò đốt chuyên dụng.

Phần 5

HƯỚNG DẪN THU GOM, XỬ LÝ RÁC THẢI NGUY HẠI ĐỒNG RUỘNG

Các loại bao bì, chai lọ đựng hóa chất bảo vệ thực vật thải bỏ trong quá trình hoạt động sản xuất nông nghiệp là chất thải nguy hại, do đó cần được thu gom, xử lý riêng; mô hình thu gom, xử lý rác thải nguy hại đồng ruộng như sau:

- Thu gom: Để thu gom rác thải nguy hại trên đồng ruộng, cần xây dựng các bể chứa bằng bê tông cốt thép đặt tại các vị trí thích hợp trên từng cánh đồng để người nông dân dễ dàng đem các vỏ chai lọ, bao bì thuốc BVTV bỏ vào các bể này.

Quy cách bể chứa rác thải nguy hại trên đồng ruộng phải đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật (vững chắc nhằm tránh tình trạng bể vỡ, hư hỏng, lũ lụt cuốn trôi; không thẩm thấu chất thải ra bên ngoài; không bị nước mưa tràn vào,...) cụ thể: Bể chứa được xây dựng bằng bê tông cốt thép, dung tích từ 0,5 – 1 m3, đáy bê tông xi măng, có nắp đậy đóng mở dễ dàng, bên ngoài có ghi dòng chữ "BỂ CHỨA RÁC THẢI NGUY HẠI ĐỒNG RUỘNG".

- Vận chuyển, xử lý: thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại để đến thu gom các vỏ chai lọ, bao bì thuốc BVTV từ các bể rác này đưa đi xử lý theo đúng quy trình xử lý chất thải nguy hại theo định kỳ hoặc theo thời vụ tùy vào khối lượng.

Đối với các khu dân cư có khối lượng chất thải nguy hại đồng ruộng phát sinh không đáng kể và địa hình khó bố trí bể chứa rác thải nguy hại cần linh động lựa chọn giải pháp phù hợp điều kiện thực tế và đề xuất lên cấp trên để xét duyệt và triển khai thực hiện.

 
 

More