Chi tiết tin - Xã Hải Dương - Hải Lăng

 

 

Video clip
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập 1
  • Hôm nay 13
  • Tổng truy cập 388.708

TRIỂN KHAI CÁC BIỆN PHÁP NHẰM CHỦ ĐỘNG PHÒNG, NGỪA THIÊN TAI TRONG NĂM 2023

Post date: 11/09/2023

Theo báo cáo của Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai cho biết, từ đầu năm đến nay nước ta đã chịu ảnh hưởng của 19/22 loại hình thiên tai trong đó đã xảy ra 1 áp thấp nhiệt đới, 27 trận mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất; 148 trận dông lốc, sét, mưa đá; 211 vụ sạt lở bờ sông, 137 trận động đất và 2 đợt rét đậm, rét hại; 11 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển. Tính đến ngày 5/7, thiên tai đã làm 49 người chết, mất tích, 36 người bị thương, thiệt hại về kinh tế khoảng hơn 308 tỷ đồng.

 

 Biến đổi khí hậu mà trước hết là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng là thách thức lớn nhất đối với cả nhân loại trong thế kỷ 21. Biến đổi khí hậu sẽ làm cho các thiên tai trở nên khốc liệt hơn và có thể trở thành thảm hoạ, gây rủi ro lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, có thể xoá đi những thành quả nhiều năm của sự phát triển của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, lại gần 1 trong 5 “ổ” bão lớn của thế giới, nên diễn biến thời tiết, thủy văn rất phức tạp. Mùa bão trùng với mùa mưa, cộng thêm địa hình núi cao sườn dốc, đồng bằng hẹp, trũng là mối đe dọa thường trực đối với sinh hoạt và sản xuất của người dân. Những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai, lụt, bão diễn biến hết sức phức tạp, bất thường với quy mô và hậu quả ngày càng nặng nề hơn, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người, phá hủy, làm thiệt hại nhiều tài sản; đẩy cuộc sống của nhân dân vùng bão, lũ, thiên tai vào hoàn cảnh hết sức khó khăn. Trong hơn 30 năm qua tại Việt Nam, bình quân mỗi năm, thiên tai đã làm chết và mất tích khoảng 500 người, bị thương hàng nghìn người, thiệt hại về kinh tế từ 1,0 - 1,5% GDP.  

          Theo báo cáo của Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai cho biết, từ đầu năm đến nay nước ta đã chịu ảnh hưởng của 19/22 loại hình thiên tai trong đó đã xảy ra 1 áp thấp nhiệt đới, 27 trận mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất; 148 trận dông lốc, sét, mưa đá; 211 vụ sạt lở bờ sông, 137 trận động đất và 2 đợt rét đậm, rét hại; 11 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển. Tính đến ngày 5/7, thiên tai đã làm 49 người chết, mất tích, 36 người bị thương, thiệt hại về kinh tế khoảng hơn 308 tỷ đồng.

 

Qua những số liệu trên đã cho thấy tác động nghiêm trọng của thiên tai đối với kinh tế- xã hội, ANQP là rất lớn. Để chủ động phòng, chống, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, bão lụt gây ra, các cơ quan đơn vị và nhân dân trên địa bàn xã cần:

-Luôn theo dõi thông tin về bão, lũ.... và khả năng ảnh hưởng khu vực (huyện, xã) mà bản thân và gia đình sinh sống, làm việc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (Đài phát thanh, truyền hình, báo, các trang web,…), các thông báo của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương để có thể biết trước và chủ động phòng tránh.

 

-Thực hiện ngay việc chằng chống nhà cửa để có thể chống chọi được với gió bão mạnh (sử dụng bao cát để thêm lên các mái tôn hoặc gông mái nhà bằng tre, luồng, thép và dây buộc, đinh, cây gỗ kẹp mái nhà); cần tìm và tạo cho gia đình một chỗ trú tránh an toàn dễ dàng di dời đến khi mưa bão, lũ xảy ra.

 

-Bỏ tất cả các vật dụng quan trọng như tiền, vàng và các giấy tờ vào một cái túi không thấm nước, buộc chặt túi lại và cất vào nơi cao ráo, an toàn nhất.

 

- Mỗi gia đình cần chuẩn bị sẵn lương thực (gạo, mì tôm,..) và nước uống sạch (đựng vào các chai nhựa), thuốc chữa bệnh,… đủ dùng cho gia đình trong thời gian từ 3 ngày đến một tuần để phòng khi phải di dời tránh bão, lũ thì có thể mang theo hoặc khi bị mưa, bão, lũ, sạt lở gây chia cắt, cô lập có thể tạm nuôi gia đình trong khi chờ ứng cứu.

 

- Không ngủ đêm ở các lán, chòi gần khe suối, bờ sông, dưới chân núi cao hay sườn dốc. Không đứng cạnh hoặc đi qua bờ sông, bờ suối, ngầm tràn, khu vực sạt lở khi đang có mưa to, gió lớn.

 

- Nếu thiên tai xảy ra, mọi người cần tuân thủ nghiêm hiệu lệnh của xã, thôn để thực hiện các biện pháp phòng tránh, ứng phó giảm thiểu thiệt hại do mưa, bão, lũ, sạt lở đất gây ra.

 

-Khi có mưa bão không nên ra khỏi nhà, nhất là người già và trẻ em; không trú ẩn dưới cây to, cột điện,..

 

-Nếu gặp nước lũ, lụt ngập vào nhà cần nhanh chóng ngắt cầu giao điện để tránh bị điện giật, chập cháy; mặc áo phao (nếu có) hoặc bám thật chắc vào một vật nào đó có thể nổi được trên nước (săm xe đã bơm hơi, cây chuối, can nhựa có nắp,….) và nhanh chóng tìm cách di chuyển lên vị trí cao, an toàn hơn.

 

-Không lội qua sông, suối khi nước đang chảy xiết hoặc khi nước đang màu trong chuyển sang màu đục; không cố ra sông với củi, gỗ khi nước lũ đang lên.

 

- Chú ý đề phòng rắn, rết và côn trùng cắn; không sửa chữa, cầm nắm dây điện khi trời đang mưa bão.

 

-Nếu đang đi trên đường còn ngập lụt, hãy dùng gậy thọc xuống đường để đo mức nước, đề phòng rơi xuống hố.

 

 Khi bão, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất....đã qua nhân dân cần chủ động:

 

- Nhanh chóng đưa người bị thương đến trạm xá, bệnh viện, tìm kiếm người còn bị mất tích.

 

- Sửa chữa, dọn dẹp và vệ sinh nhà cửa, nước rút đến đâu, lau rửa nhà đến đó; chôn xác gia súc, gia cầm bị chết; nhớ rắc vôi hoặc phun thuốc khử trùng nơi gia súc gia cầm chết và nơi chôn gia súc gia cầm để xử lí mầm bệnh.

 

- Sử dụng nước sạch để ăn, uống; nếu không có nước sạch mà phải dùng nước sông, ao, hồ thì phải lọc và đun sôi kỹ.

- Nhanh chóng khôi phục chăn nuôi, sản xuất đảm bảo đời sống sau thiên tai./.

Hãy nêu cao tinh thần cảnh giác, ý thức trách nhiệm, nghiêm túc xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai, lồng ghép với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn; tổ chức phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa các lực lượng, ứng phó kịp thời, có hiệu quả với mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra, luôn sẵn sàng, đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tài sản và cuộc sống của nhân dân.

Thực hiện tốt phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, lấy phòng ngừa là chính”.

                                                                                                                                                                   Nguồn\: Tổng hợp

More