Chi tiết tin - Xã Hải Dương - Hải Lăng

 

 

Video clip
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập 1
  • Hôm nay 176
  • Tổng truy cập 388.646

BÀI TUYÊN TRUYỀN VỀ LUẬT BÌNH ĐẲNG GIỚI

Post date: 06/05/2024

 Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Bình đẳng giới là bình đẳng về pháp luật, về cơ hội và các thành quả tạo ra, bao gồm bình đẳng trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến bản thân, gia đình và xã hội.

 

          Bình đẳng giới trong gia đình có ý nghĩa quan trọng trong mọi thời đại, đặc biệt là trong thời kỳ đây mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay. Trong những năm qua, Đảng và nhà nước ta đã không ngừng hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về quyền bình đẳng trên lĩnh vực bình đẳng giới như: Luật hôn nhân và gia đình, Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình…mà trọng tâm là Luật bình đẳng giới và thông qua các công ước quốc tế như công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, công ước Liên hiệp quốc về quyền trẻ em… nhờ đó mà phụ nữ và trẻ em gái đều được bảo vệ. Trang Thông tin điện tử xã Hải Dương đăng tài một vài nội dung hỏi -đáp  liên quan đến Luật Bình đẳng giới như sau:

Câu 1: Cho tôi hỏi các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới ?

Trả lời: Theo điều 6 của Luật Bình đẳng giới có các nguyên tắc cơ bản  sau:

1. Nam, nữ bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.

2. Nam, nữ không bị phân biệt đối xử về giới.

3. Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới không bị coi là phân biệt đối xử về giới.

4. Chính sách bảo vệ và hỗ trợ người mẹ không bị coi là phân biệt đối xử về giới.

5. Bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi pháp luật.

6. Thực hiện bình đẳng giới là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân.

Câu 2: Tôi muốn biết các chính sách của Nhà nước về Bình đẳng giới?

Trả lời: Theo điều 7 của Luật Bình đẳng giới các chính sách của Nhà nước về Bình đẳng giới được quy định như sau:

1. Bảo đảm bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình; hỗ trợ và tạo điều kiện cho nam, nữ phát huy khả năng, có cơ hội như nhau để tham gia vào quá trình phát triển và thụ hưởng thành quả của sự phát triển.

2. Bảo vệ, hỗ trợ người mẹ khi mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ; tạo điều kiện để nam, nữ chia sẻ công việc gia đình.

3. Áp dụng những biện pháp thích hợp để xoá bỏ phong tục, tập quán lạc hậu cản trở thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

4. Khuyến khích cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân tham gia các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới.

5. Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ những điều kiện cần thiết để nâng chỉ số phát triển giới đối với các ngành, lĩnh vực và địa phương mà chỉ số phát triển giới thấp hơn mức trung bình của cả nước.

Câu 3: Trong Luật Bình đẳng giới có mấy hành vi bị nghiêm cấm ? các hành vi bị nghiêm cấm đó là gì vậy ạ?

Trả lời: Theo điều 10 của Luật Bình đẳng giới có các hành vi bị nghiêm cấm như sau:

1. Cản trở nam, nữ thực hiện bình đẳng giới.

2. Phân biệt đối xử về giới dưới mọi hình thức.

3. Bạo lực trên cơ sở giới.                              

4. Các hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật.

Câu 4: Luật bình đẳng giới quy định trong gia đình như thế nào?

Trả lời: Theo điều 18 của Luật Bình đẳng giới, trong gia đình Luật bình đẳng giới được quy định như sau:

1. Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.

2. Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình.

3. Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong việc bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hoá gia đình phù hợp; sử dụng thời gian nghỉ chăm sóc con ốm theo quy định của pháp luật.

4. Con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển.

5. Các thành viên nam, nữ trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình.

Câu 5: Trách nhiệm của gia đình được quy định trong Luật Bính đẳng giới như thế nào?

Trả lời: Theo điều 33 của Luật Bình đẳng giới, trách nhiệm của gia đình được quy định như sau:

1. Tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình nâng cao nhận thức, hiểu biết và tham gia các hoạt động về bình đẳng giới.

2. Giáo dục các thành viên có trách nhiệm chia sẻ và phân công hợp lý công việc gia đình.

3. Chăm sóc sức khoẻ sinh sản và tạo điều kiện cho phụ nữ thực hiện làm mẹ an toàn.

4. Đối xử công bằng, tạo cơ hội như nhau giữa con trai, con gái trong học tập, lao động và tham gia các hoạt động khác.

 Câu 6: Trách nhiệm của công dân được Luật Bình đẳng giới quy định như thế nào?

Trả lời: Theo điều 34  của Luật Bình đẳng giới, trách nhiệm của công dân nam, nữ có trách nhiệm sau đây:

1. Học tập nâng cao hiểu biết, nhận thức về giới và bình đẳng giới;

2. Thực hiện và hướng dẫn người khác thực hiện các hành vi đúng mực về bình đẳng giới;

3. Phê phán, ngăn chặn các hành vi phân biệt đối xử về giới;

4. Giám sát việc thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới của cộng đồng, của cơ quan, tổ chức và công dân.

Câu 7: Giám sát việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới gồm các cơ quan nào?

Trả lời: Theo điều 36 của Luật Bình đẳng giới, giám sát việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới gồm các cơ quan sau:

1. Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới.

2. Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới tại địa phương.

  Câu 8: Việc Khiếu nại và giải quyết khiếu nại hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới?

Trả lời: Theo điều 37 của Luật Bình đẳng giới, việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới được quy định như sau:

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật về bình đẳng giới, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

2. Việc giải quyết khiếu nại về bình đẳng giới được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Câu 9: Việc tố cáo và giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới ?

Trả lời: Theo điều 38 của Luật Bình đẳng giới, việc tố cáo và giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới như sau:

1. Cá nhân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới.

2. Việc tố cáo, giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Câu 10: Các nguyên tắc xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới?

Trả lời: Theo điều 39 của Luật Bình đẳng giới, các nguyên tắc xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới được quy định như sau:

Mọi hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Việc xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới phải được tiến hành nhanh chóng, công minh, triệt để theo đúng quy định của pháp luật.

Câu 11: Các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình?

Trả lời: Theo điều 41 của Luật Bình đẳng giới, các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình được quy định như sau:

1. Cản trở thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính.

2. Không cho phép hoặc cản trở thành viên trong gia đình tham gia ý kiến vào việc sử dụng tài sản chung của gia đình, thực hiện các hoạt động tạo thu nhập hoặc đáp ứng các nhu cầu khác của gia đình vì định kiến giới.

3. Đối xử bất bình đẳng với các thành viên trong gia đình vì lý do giới tính.

4. Hạn chế việc đi học hoặc ép buộc thành viên trong gia đình bỏ học vì lý do giới tính.

5. Áp đặt việc thực hiện lao động gia đình, thực hiện biện pháp tránh thai, triệt sản như là trách nhiệm của thành viên thuộc một giới nhất định.

Câu 12: Các hình thức xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới ?

Trả lời: Theo điều 42 của Luật Bình đẳng giới, các hình thức xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới được quy định như sau:

1. Người nào có hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

 

More